ĐT Việt Nam và câu chuyện kiểm soát bóng: Giấc mơ hoang đường

- Thứ Sáu, 22/03/2024, 15:47
Theo dõi SABAVN trên google-news-text

Nếu phải nhận định một cách thẳng thắn, thì ĐT Việt Nam cả ở hiện tại và trong tương lai gần khó mà chơi kiểm soát bóng.

Ảo tưởng kiểm soát bóng

Từ ngày HLV Philippe Troussier lên nắm quyền, người hâm mộ Việt Nam bắt đầu nghe nhiều về cụm từ “kiểm soát bóng”. Với niềm tin cầu thủ Việt Nam nhỏ con nhưng giàu kỹ thuật, giới mộ điệu đã mơ tới một đội tuyển đá ban bật, đập nhả, thoát pressing và ghi bàn bằng những pha phối hợp nhuần nhuyễn.

Nhưng hóa ra, đó chỉ là thứ mộng tưởng hão huyền. Những thất bại liên tiếp ở Asian Cup 2023, rồi trận thua mới đây trước Indonesia đưa bóng đá Việt Nam trở về với thực tại khắc nghiệt. Cái ngày “Những chiến binh Sao Vàng” đá kiểm soát bóng hãy còn xa lắm, mà xa theo kiểu chẳng ai dự trù được thời gian tới đó là bao lâu!

Định kiến sai lầm dành cho ĐT Việt Nam

Cầu thủ Việt Nam đúng là nhỏ con thật, nhưng giàu kỹ thuật thì chắc chắn không phải. Nhiều người còn chuyền bóng chưa chuẩn, đỡ bóng chưa dính vào chân, che bóng chưa kỹ, điều hướng bước một chưa đủ khôn ngoan để đi trước đối thủ, nên chuyện đá ban bật xem như bất khả thi.

ĐT Việt Nam không dễ chơi kiểm soát bóng (Ảnh: Vietnamnet)
ĐT Việt Nam không dễ chơi kiểm soát bóng (Ảnh: Vietnamnet)

Trước Indonesia, dàn sao Việt Nam chẳng có tình huống phối hợp nào ra hồn. Họ chỉ thực hiện được vài đường chuyền liên tục nếu đội bạn thả lỏng. Ngay khi đối phương ập vào, các học trò của HLV Troussier lập tức lóng ngóng và nhiều lần xử lý lỗi. Đó là kiểm soát bóng kiểu “pha lê”, chỉ để lòe thiên hạ, chứ thực chất lại cực kỳ mong manh và dễ vỡ.

Không biết di chuyển, không thể kiểm soát

Đừng lầm tưởng rằng chơi kiểm soát bóng thì chỉ cần kỹ thuật cá nhân. Barcelona khi xưa đập nhả liên tục, nhưng để có phương án chuyền bóng, họ còn phải di chuyển khôn khéo.

Có người bước xuống, người khác lại băng lên; người lệch trái, kẻ lệch phải; các tam giác và tứ giác phối hợp liên tục xuất hiện, như thế thì đối phương mới ngại mà không dám pressing rát nữa.

Đằng này, cầu thủ Việt Nam dường như chỉ có một kiểu là đứng chờ hoặc giật nhẹ về đón bóng ngang. Bài đánh “người chạy thứ ba” – một mảng miếng cực kỳ quan trọng trong bóng đá hiện đại – trở thành thứ xa xỉ với đoàn quân của HLV Troussier. Quả bóng vì thế chủ yếu đi theo chiều ngang mặt sân, chứ rất khó tiến lên theo chiều dọc.

Kiểm soát bóng phải bao gồm khả năng tạo nên bất ngờ. Khi ta có quân số sẵn sàng thoát xuống, đối thủ sẽ rơi vào thế lưỡng lự, không biết nên dâng lên hay lùi xuống. Từ kiểm soát bóng, ta kiểm soát luôn đối phương và nắm giữ thế chủ động trong tay. Đó mới là mục tiêu tối thượng.

Ngẫm nghĩ triết lý ấy để thấy rằng ĐT Việt Nam thiếu quá nhiều thứ để có thể chơi kiểm soát bóng. Từ thân hình, đôi chân cho đến cái đầu, tất cả đều phải được nâng cấp. Nhưng với tình cảnh nền bóng đá Việt Nam lúc này, có lẽ chúng ta nên tạm quên đi cụm từ “kiểm soát bóng”.

Bây giờ xem đội tuyển đá làm người hâm mộ TỨC ANH ÁCH | Nhà vô địch (Full)

Xem thêm:

World Cup

ĐT Việt Nam

Philippe Troussier