LĂNG KÍNH: Chelsea và những chiêu bài lách luật Công bằng tài chính

- Thứ Ba, 15/08/2023, 21:00
Theo dõi SABAVN trên google-news-text

Có thể Todd Boehly không quá am hiểu về bóng đá, nhưng chắc chắn ông biết cách điều khiển vũ khí trên thương trường.

Như hai phiên chợ trước, hè năm nay Chelsea tiếp tục khuấy đảo thị trường chuyển nhượng. Bản hợp đồng 115 triệu bảng dành cho Moises Caicedo khiến Enzo Fernandez mất vị thế cầu thủ đắt giá nhất Ngoại hạng Anh. Như vậy, Chelsea đã chi 300 triệu bảng để mua tân binh chỉ trong năm 2023. Nếu tính trong thời Chủ tịch Todd Boehly, con số này tăng lên thành 900 triệu bảng.

Đại bộ phận khán giả có lẽ chưa hiểu tại sao The Blues không bị tính là vượt rào luật Công bằng tài chính, khi UEFA chỉ cho phép các đội bóng thâm hụt khoảng 90 triệu euro (77,5 triệu bảng) trong vòng 3 năm. Nhưng dĩ nhiên, bộ sậu Chelsea có lý do để làm những gì mà họ đang làm.

Chi phí mua sắm

Tạm thời hãy tưởng tượng tình huống này: Đội A mua cầu thủ giá 50 triệu bảng, hợp đồng 5 năm, trả lương 100 nghìn bảng/tuần và đội B ký với cầu thủ tự do, trả lương 400 nghìn bảng/tuần. Bạn nghĩ đội nào đang tiêu tốn nhiều tiền hơn, tính theo từng năm?

Đối với đội B, thù lao 400 nghìn bảng/tuần tương đương mức 20 triệu bảng/năm. Trong khi đó, 50 triệu bảng mà đội A chi ra KHÔNG được ghi một lần toàn bộ 100%, mà chia đều ra từng năm (thuật ngữ chuyên ngành gọi là khấu hao). Tính ra, đội A chỉ trả 15 triệu bảng/năm, vẫn ít hơn đội B.

Nhìn lại các chữ ký của Chelsea, có thể thấy họ đang cố gắng lợi dụng phương pháp kế toán này. Moises Caicedo vừa nhận hợp đồng kéo dài 8 năm. Các tân binh hồi tháng 1 cũng đều đồng thuận với giao kèo từ 7 đến 8 năm. Như thế, chi phí mỗi năm sẽ được chia nhỏ ra và sổ sách cũng bớt “nặng” hơn.

Một mình Boehly đã chủ biên 2 thương vụ đắt giá nhất Ngoại hạng Anh
Một mình Boehly đã chủ biên 2 thương vụ đắt giá nhất Ngoại hạng Anh

Nhận thức được điều này, UEFA yêu cầu các khoản khấu hao sẽ chỉ được thực hiện trong vòng tối đa 5 năm, tính từ hè 2023. Ngoại hạng Anh có lẽ cũng sớm áp dụng luật này. Nhưng ngay cả như thế thì khấu hao vẫn là một công cụ đắc lực cho đội chủ sân Stamford Bridge.

Tiền bán cầu thủ

Nếu như tiền mua được khấu hao, thì tiền bán – sau khi trừ đi phần giá trị còn lại của hợp đồng, sẽ được tính trọn vẹn vào phần thu nhập.

Đơn cử như hè năm nay, Chelsea đã thu về hơn 200 triệu bảng. Những người như Kai Havertz, Mateo Kovacic hay Christian Pulisic đã chơi ở London nhiều năm nên giá trị hợp đồng còn khá thấp. Ba cái tên này giúp tài khoản của đội bóng tăng lên gần 100 triệu bảng.

Mason Mount và Ruben Loftus-Cheek – các sản phẩm từ lò Cobham, thậm chí còn không có giá trị khấu hao (vì Chelsea không tốn tiền mua về), nên giá bán của họ cũng chính bằng doanh thu.

Theo The Athletic, sau khi đã tính khấu hao, thì khoản chi của Chelsea trong 3 kỳ chuyển nhượng gần nhất chỉ là 157,2 triệu bảng. Con số này gần như được khỏa lấp bởi tiền bán cầu thủ chạm mốc 149,6 triệu bảng. Bức tranh trở nên khác hẳn so với những gì chúng ta đã tiếp cận ở đầu bài viết.

Tiền lương

Đây là mục tiếp theo trong công tác cách mạng của Boehly và các cộng sự. Chelsea tập trung vào những cầu thủ trẻ, một phần bởi họ có thể đề nghị mức lương cứng thấp hơn những ngôi sao đã thành danh. Bù lại, CLB sẽ thưởng dựa trên thành tích. Bản thân điều khoản này đã hàm chứa tính bảo hiểm, bởi nếu các cầu thủ chơi tốt và nhận được tiền thưởng, thì đội bóng cũng đã hưởng lợi trên sân đấu và lấy thêm doanh thu.

Rủi ro

Dĩ nhiên mỗi nước đi đều tiềm ẩn những nguy cơ. Nếu không đạt thứ hạng cao ở các giải đấu, Chelsea sẽ phải chật vật tìm nguồn thu nhằm khỏa lấp chi phí chuyển nhượng được cộng đều mỗi năm. Cả làng túc cầu (bao gồm những đội bóng thù địch) sẽ chống mắt lên để xem liệu The Blues có thành công với canh bạc của ông bầu người Mỹ hay không.

Nguồn: The Athletic

MÀN TRÌNH DIỄN: ENZO FERNANDEZ | SIÊU SAO NAM MỸ HÀNH HẠ TUYẾN GIỮA LIVERPOOL | NGOẠI HẠNG ANH 23/24

Xem thêm:

Ngoại hạng Anh

Chelsea

Todd Boehly

Ngoại hạng Anh 2023/24