GÓC CHIẾN THUẬT: Pep Guardiola và 15 năm ‘thiên biến vạn hóa’

- Thứ Ba, 11/04/2023, 19:40
Theo dõi SABAVN trên google-news-text
Nói về chiến thuật thì trong làng túc cầu đương đại, không ai tạo nhiều cảm hứng hơn vị HLV 52 tuổi.

Pep Guardiola đã trải qua một thập kỷ rưỡi cầm sa bàn và đối mặt với những mệnh đề khác nhau. Ở mỗi đội bóng, ông đều mang đến những cải tiến thú vị.

#1Một pivot rưỡi

Xuất thân là một pivot (tiền vệ trụ), Pep từng khẳng định ông không thích chơi bên cạnh một tiền vệ trụ khác. Cách sắp xếp đó có thể khiến họ hạn chế không gian của nhau, từ đó phải nhận bóng trong tư thế quay lưng, không quan sát được đối thủ ở đằng sau và cũng làm hẹp đi góc chuyền bóng.

Trong khi đó, hệ thống một pivot cho phép tiền vệ đó lựa chọn vị trí thuận lợi để nhận đường chuyền và sẵn sàng tịnh tiến bóng lên trên. Tuy nhiên, hoạt động một mình ở khu vực ấy không phải chuyện dễ vì sẽ bị vây quanh bởi nhiều cầu thủ đội bạn.

So sánh hệ thống 2 tiền vệ trụ (double pivot) và 1 tiền vệ trụ (single pivot).
So sánh hệ thống 2 tiền vệ trụ (double pivot) và 1 tiền vệ trụ (single pivot).

Thời ở Barcelona, Pep bố trí Sergio Busquets chơi thấp nhất khu trung tuyến. Đến Bayern Munich, ông chuyển Philipp Lahm từ hậu vệ cánh thành tiền vệ trung tâm. Rodri đảm nhận vai trò tương tự tại Manchester City.

Tuy nhiên, đối phương có thể bắt bài và cố gắng chia cắt pivot với các trung vệ. Vì vậy, nhà cầm quân người Tây Ban Nha thường chỉ đạo thêm một cầu thủ khác lùi về hoặc dạt ra gần biên để hỗ trợ luân chuyển bóng. Những người như Xavi Hernandez, Thiago Alcantara hay Bernardo Silva sẽ nhận bóng thay cho tiền vệ trụ nếu đồng đội bị phong tỏa.

Thiago dạt ra biên và nhận đường chuyền của thủ môn.
Thiago dạt ra biên và nhận đường chuyền của thủ môn.
#2Hậu vệ cánh

Thời Pep mới vào nghề, các hậu vệ dưới tay ông vẫn còn hay chồng biên (overlap) – bài đánh kinh điển nhất họ có thể tham gia. Khi tiền vệ cánh rê bóng vào trong, hậu vệ sẽ vòng ra sau lưng, chờ một đường thả bóng xuống rồi căng ngang/tạt bóng tới vùng cấm địa.

Hậu vệ chơi theo kiểu overlap.
Hậu vệ chơi theo kiểu overlap.

Vấn đề của phương pháp tấn công này là nó quá tốn thể lực và có thể bị đoán bắt. Vì vậy, vị chiến lược gia tài ba tìm một hướng mới để khai thác các hậu vệ cánh. Thay vì tăng tốc lên xuống, họ sẽ di chuyển tới hành lang trong rồi sau đó mới chạy ra biên (underlap). Cấu trúc phối hợp như hình ảnh phía dưới đây mang tới nhiều thử thách hơn cho đội bạn. Đến cuối thời kỳ nắm Bayern, Pep ưu tiên underlap hơn hẳn overlap.

Hậu vệ chơi theo kiểu underlap.
Hậu vệ chơi theo kiểu underlap.

Dẫu vậy, cả hai phương án kể trên đều chịu rủi ro từ những pha chuyển trạng thái khi hậu vệ cánh dâng cao. Và rồi thuyền trưởng sinh năm 1971 lựa chọn một cách an toàn hơn, đó là để những hậu vệ như Kyle Walker, Joao Cancelo hay Oleksandr Zinchenko bó vào trung tâm, chơi bên cạnh tiền vệ phòng ngự. Nhiệm vụ chính của họ là triển khai bóng chứ không phải bứt phá lên trên để kiến tạo.

Thường thì chỉ một hậu vệ cánh tiến vào trong, người còn lại sẽ hợp cùng hai trung vệ để tạo nên tuyến dưới gồm 3 người. Dù gì thì Pep cũng ít muốn mạo hiểm với các hậu vệ biên. Phần việc tấn công được giao phó cho các tiền vệ cánh.

#3Tiền vệ cánh

Ở Barcelona và Bayern, Pep sở hữu những cầu thủ chạy cánh thượng hạng. Lionel Messi, Arjen Robben hay Franck Ribery đều có cái chân thuận cực kỳ điệu nghệ, thế nên họ được phép rê bóng hoặc di chuyển vào trong (cut inside) để mang đến sức sát thương lớn.

Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng làm như thế. Trong quá trình triển khai bóng, những tiền vệ cánh vẫn duy trì vị trí “cao và rộng”, nghĩa là bám biên ở trên cao. Đến khi các cầu thủ phía dưới dần bước lên trên, tiền vệ cánh mới tiến vào trong. Việc thu hẹp khoảng cách đội hình đảm bảo rằng khi mất bóng, họ đủ điều kiện chống phản công từ sớm.

Tiền vệ cánh bám biên khi đội nhà triển khai bóng, sau đó mới vào trong.
Tiền vệ cánh bám biên khi đội nhà triển khai bóng, sau đó mới vào trong.

Mùa giải 2022/23 chứng kiến Man City bám sát ý đồ này. Jack Grealish và Riyad Mahrez thường bám cánh hòng kéo giãn khối đội hình đối phương, còn phía bên trong đã có đủ người để thoát pressing và mang bóng tới 1/3 sân cuối cùng. Họ không chịu trọng trách ghi bàn chính như Messi hay Robben, mà điều đó được dành cho số 9, mũi nhọn của đội.

#4Tiền đạo

Trước lúc rời Camp Nou, Pep đã nổi tiếng với phát minh “số 9 ảo”. Hai trung phong hay bậc nhất thế hệ của họ là Samuel Eto’o và Zlatan Ibrahimovic phải nhường chỗ cho một gã cầu thủ chỉ cao 1m69 nhưng liên tục hủy hoại mọi trung vệ. Messi là một số 9 ảo hoàn hảo, vì anh làm xuất sắc cả hai khía cạnh: kiến tạo và ghi bàn. Người ta có thể thấy El Pulga ở giữa sân, trao đổi vài đường chuyền, nhưng bỗng chốc anh tăng tốc và đưa bóng vào lưới.

Tại Bayern, Pep không thể tìm ra một ngôi sao với bản năng thiên tài như thế. Với Robert Lewandowski, “Hùm xám” tập trung vào việc làm bóng cho một trung phong dạng cổ điển. Bản thân Lewy ghi nhiều bàn, nhưng nhìn chung Bayern Munich lại tấn công ít biến hóa và hiệu quả hơn so với lúc họ có Mario Mandzukic – một mẫu tiền đạo sẵn sàng nhường chỗ ở trung lộ cho Robben và Ribery.

Một phương án tấn công của Bayern với số 9 cổ điển.
Một phương án tấn công của Bayern với số 9 cổ điển.

Vì thế, Pep cố gắng tìm lại sự cân bằng ở Etihad. Không có Messi, nhưng ông sở hữu hàng loạt ngôi sao đủ tư duy chiến thuật lẫn kỹ thuật để khôi phục khái niệm số 9 ảo. Thậm chí có lúc Man City còn chơi với hai cầu thủ liên tục giật về từ tuyến trên, mở ra khoảng trống trước vùng cấm địa.

Cấu trúc hai số 9 ảo của Man City.
Cấu trúc hai số 9 ảo của Man City.

Trong nhiều thời điểm, cả Ngoại hạng Anh dường như không thể đối phó với cấu trúc tấn công siêu biến ảo của Pep. The Citizens luôn có nhiều tiền vệ hơn để áp đảo quân số nơi giữa sân, nhưng khi bóng ở 1/3 cuối sân, số cái bóng áo xanh chực chờ dứt điểm cũng rất nhiều. Họ không di chuyển một cách ngẫu nhiên, mà xuất hiện ở cả cột gần, cột xa lẫn xung quanh chấm penalty và rìa vòng 16m50.

Ấy vậy mà lúc bước ra sân chơi Champions League, Nửa xanh thành Manchester vẫn thất bại, một phần vì không có tiền đạo thực thụ nào.

Thế là Erling Haaland xuất hiện. Không còn số 9 ảo nữa, giờ Pep nắm giữ một cỗ máy săn bàn khủng khiếp. Có lẽ chỉ một người hoàn thành repoker trong một trận cầu tại Cúp C1 mới khiến ông tạm quên đi sáng kiến trứ danh của mình. Pep vẫn yêu cầu Haaland thi đấu toàn diện hơn, nhưng chính ông cũng xây nên một cấu trúc ở bên dưới mà không cần chàng trai người Na Uy góp sức quá nhiều cho việc lên bóng. Mục tiêu của Haaland vẫn luôn giữ nguyên, đó là ghi nhiều bàn nhất có thể.

Nguồn: The Athletic

Xem thêm:

Ngoại hạng Anh

Man City

Pep Guardiola

Ngoại hạng Anh 2022/23

Champions League 2022/23

Góc chiến thuật